QUYỀN MIỄN TRỪ QUỐC GIA TRONG TƯ PHÁP QUỐC TẾ VIỆT NAM
***
Tư pháp quốc tế là một lĩnh vực pháp luật có hệ thống chủ thể riêng của mình bao gồm thể nhân, pháp nhân và quốc gia. Trong đó, quốc gia được xác định là chủ thể đặc biệt của Tư pháp quốc tế. Vấn đề là khi quốc gia tham gia vào các mối quan hệ này, quyền và nghĩa vụ chủ thể của quốc gia hay nói cách khác, quy chế pháp lý của quốc gia được xác định như thế nào. Đối với Việt Nam, khi mà Tư pháp quốc tế chưa phát triển cả về lý luận lẫn thực tiễn, thì việc tiếp tục nghiên cứu và phát triển cả về lý luận lẫn quy định của pháp luật về quyền miễn trừ của quốc gia khi tham gia vào quan hệ dân sự quốc tế có ý nghĩa rất quan trọng trong việc góp phần đưa Tư pháp quốc tế Việt Nam tiến gần hơn các chuẩn mực pháp lý chung của thế giới.
- Nội dung quyền miễn trừ của quốc gia trong Tư pháp quốc tế
Nhìn chung, Tư pháp quốc tế (TPQT) phần lớn các quốc gia đều thừa nhận tư cách chủ thể đặc biệt của quốc gia khi tham gia vào mối quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài. Khi tham gia vào quan hệ TPQT, quốc gia được hưởng các quyền miễn trừ trong đó quan trọng nhất là quyền miễn trừ tư pháp và miễn trừ đối với tài sản của quốc gia, gọi chung là quyền miễn trừ của quốc gia. Quyền miễn trừ của quốc gia trong lĩnh vực quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài được ghi nhận rải rác trong các điều ước quốc tế, điển hình nhất là Công ước Brussels về thống nhất các quy định về miễn trừ tàu thuyền nhà nước ngày 14/4/1926, Công ước Viên năm 1961 về quan hệ ngoại giao, Công ước Viên 1963 về quan hệ lãnh sự,… Đặc biệt, các nội dung này được quy định một cách cụ thể và tập trung tại Công ước của Liên hiệp quốc (LHQ) về quyền miễn trừ tài phán và miễn trừ tài sản của quốc gia. Các quyền này cũng được ghi nhận trong pháp luật của nhiều quốc gia.
Quyền miễn trừ của quốc gia trong TPQT gồm quyền miễn trừ tư pháp và quyền miễn trừ đối với tài sản thuộc quyền sở hữu của quốc gia.
Quyền miễn trừ tư pháp
Miễn trừ xét xử tại bất cứ Tòa án nào. Nội dung quyền này thể hiện nếu không có sự đồng ý của quốc gia thì không có một tòa án nước ngoài nào có thẩm quyền thụ lý và giải quyết vụ kiện mà quốc gia là bị đơn (trong lĩnh vực dân sự). Các tranh chấp liên quan đến quốc gia phải được giải quyết bằng con đường thương lượng trực tiếp hoặc con đường ngoại giao, trừ khi quốc gia từ bỏ quyền này. Điều 5 và Điều 6 Công ước của LHQ về quyền miễn trừ tài phán và miễn trừ tài sản của quốc gia quy định: Quốc gia được hưởng quyền miễn trừ tài phán trước một tòa án nước ngoài theo những quy định của Công ước. Các quốc gia có nghĩa vụ đảm bảo quyền miễn trừ tài phán và quyền miễn trừ tài sản của quốc gia khác, cụ thể là không thực thi quyền tài phán chống lại quốc gia khác trong một vụ kiện tại tòa án nước mình.
Miễn trừ đối với các biện pháp cưỡng chế nhằm đảm bảo đơn kiện, nếu quốc gia đồng ý cho tổ chức, cá nhân nước ngoài kiện mình, tức là đồng ý cho Tòa án nước ngoài xét xử vụ kiện mà quốc gia là bị đơn. Nội dung của quyền này thể hiện trong trường hợp nếu một quốc gia đồng ý để tòa án nước ngoài thụ lý, giải quyết một vụ tranh chấp mà quốc gia là một bên tham gia thì tòa án nước ngoài đó được quyền xét xử nhưng tòa án không được áp dụng bất cứ một biện pháp cưỡng chế nào như bắt giữ, tịch thu tài sản của quốc gia để phục vụ cho việc xét xử. Tòa án chỉ được áp dụng các biện pháp này nếu được quốc gia cho phép. Điều 18 Công ước của LHQ về quyền miễn trừ tài phán và miễn trừ tài sản của quốc gia quy định: “Không có biện pháp cưỡng chế tiền tố tụng nào như tịch thu, chiếm giữ tài sản trái pháp luật của quốc gia được áp dụng trong một vụ kiện trước một tòa án nước ngoài…”.