Quan niệm và tính thực tiễn của "Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam"
***
Cơ chế thị trường là một cơ chế kinh tế hiện thực, đã được xác lập một cách vững chắc trong lịch sử phát triển của kinh tế thế giới. Cho đến nay, dù không phải là một cơ chế hoàn hảo, song nó vẫn chứng tỏ được rằng đó là một cơ chế phân bổ nguồn lực, một cơ chế phát triển tốt nhất hiện nay. Một quốc gia dựa trên nền tảng thị trường để phát triển kinh tế có thể không chắc chắn thành công, song một quốc gia không dựa trên thị trường chắc chắn sẽ thất bại trong dài hạn. Môt cách triệt để, đối với sự phát triển hiện đại, phát triển đồng nghĩa với việc xây dựng, phát triển, hoàn thiện nền kinh tế thị trường hiện đại. Kết cục của sự lựa chọn giữa kinh tế thị trường hay kinh tế phi thị trường, về mặt thực tiễn là rõ ràng, với ưu thế rõ rệt, không cần phải tranh cãi của mô hình của kinh tế thị trường. Các kiểu mẫu phát triển khác nhau, sự thành công hay thất bại khác nhau, gắn liền với việc xử lý đúng đắn, hiệu quả, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của mỗi quốc gia trong từng giai đoạn cụ thể về mối quan hệ giữa thị trường và nhà nước với tư cách là 2 phương thức phân bổ nguồn lực khác nhau, có thể bổ sung cho nhau, song cũng có thể triệt tiêu tính hiệu quả của nhau.Thực tiễn trước và sau Đổi mới ở Việt Nam chứng minh rằng: phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế (một thuộc tính phát sinh từ quá trình toàn cầu hoá của nền kinh tế thị trường hiện đại) là lựa chọn không thể tránh né của Việt Nam.
Nền tảng của nền kinh tế thị trường là dựa trên sự xác lập và thực thi phổ biến quyền sở hữu tư nhân về các tài sản (dùng cách diễn đạt "các tài sản" thay cho "các tư liệu sản xuất chủ yếu" như là đối tượng của sở hữu chính xác hơn. Tài sản bao gồm cả tài sản vô hình như tri thức, vốn là thứ đang nổi lên như một nguồn lực hàng đầu quyết định năng lực sáng tạo của cải trong nền kinh tế tri thức). Luận điểm này được thừa nhận phổ biến và được thực tiễn lịch sử kinh tế thế giới chứng minh. Nó cũng từng được C.Mac nêu lên như một trong hai điều kiện cần thiết của sự ra đời và phát triển của kinh tế hàng hoá. Quyền sở hữu tư nhân được thực thi hàm nghĩa rằng người sở hữu tài sản có quyền khai thác, sử dụng tài sản của mình, được thụ hưởng các kết quả mà mình tạo ra từ tài sản đó. Thừa nhận quyền sở hữu tư nhân có nghĩa là mọi người chỉ có thể có được hàng hoá, tài sản từ người khác phải thông qua trao đổi mua bán, chứ không phải thông qua sự chiếm đoạt. Sở hữu tư nhân trong nền kinh tế thị trường đối nghịch với các quan hệ kinh tế dựa trên sự lệ thuộc cá nhân của các xã hội tiền tư bản. Nó là hình thái sở hữu tư nhân đích thực, trọn vẹn. Sức sống lâu bền của hệ thống kinh tế thị trường nằm ở chỗ: nó phù hợp với giai đoạn lịch sử mà con người về căn bản còn là những người tư lợi. Họ sản xuất, trao đổi trước hết vì lợi ích cá nhân của mình. Dựa trên nền tảng quyền tư hữu được tôn trọng và bảo vệ, hệ thống này cho phép các cá nhân phát huy được các tiềm năng của mình trong các hoạt động sản xuất trao đổi nhằm tối đa hoá các lợi ích cá nhân. Như A.Smit đã chỉ ra, thông qua cơ chế cạnh tranh và sự lên xuống của giá cả, bàn tay vô hình của thị trường hoá ra lại là "cơ chế tuyệt diệu có thể chuyển hoá các nỗ lực theo đuổi lợi ích riêng của các cá nhân thành các lợi ích của toàn xã hội"2. Tôn trọng và phát huy sức mạnh của lợi ích cá nhân (hiểu theo nghĩa rộng, đó không chỉ là lợi ích vật chất, tiền bạc mà còn bao hàm cả những lợi ích tinh thần mà cá nhân theo đuổi) trên cơ sở xác lập và bảo vệ quyền tư hữu, coi đó là động lực sâu sa chi phối hành vi kinh tế con người – tất cả nhứng điều đó làm nên sức sống năng động và sự thịnh vượng của các nền kinh tế thị trường. "Hệ thống thị trường đã chứng kiến nhiều thay đổi trong hai năm qua, nhưng chế độ tư hữu vẫn tiếp tục đóng vai trò trung tâm. Khi sản xuất và trao đổi ngày càng phức tạp với mức độ chuyên môn hoá và phân công lao động ngày càng cao, quyền tư hữu càng được củng cố chứ không yếu đi trong các nền kinh tế thị trường, và việc thực thi quyền tư hữu ngày càng được mở rộng ở mức độ tinh vi hơn"3.
Hệ luỵ là: một nền kinh tế thị trường đúng nghĩa luôn lấy khu vực tư nhân làm chỗ dựa, làm động lực cho cả nền kinh tế. Không tôn trọng và bảo vệ đầy đủ quyền sở hữu tư nhân về tài sản, nền kinh tế thị trường khó có thể phát triển bình thường và phát huy được các tiềm năng của nó một cách trọn vẹn. Trong trường hợp đó, nếu "định hướng xã hội chủ nghĩa" được đồng nhất với định hướng mở rộng khu vực công, các hình thức sở hữu công, với sự phân biệt đối xử của nhà nước một cách có lợi cho những thành phần kinh tế được xem là "xã hội chủ nghĩa" (có hại cho khu vực tư) thì việc thực hiện "định hướng xã hội chủ nghĩa" sẽ mâu thuẫn với "phát triển kinh tế thị trường".
Cách nói "phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa" là một cách nói thiếu xác định, có thể gây ra nhiều hệ luỵ xấu cho sự phát triển một khi nội dung của các khái niệm như "chủ nghĩa xã hội","định hướng xã hội chủ nghĩa" không rõ ràng. Cần phải thẳng thắn thừa nhận rằng: lý thuyết về chủ nghĩa xã hội của các nhà kinh điển Mac – lê nin đã không vượt qua được sự thử thách của thực tiễn khi mô hình chủ nghĩa xã hội hiện thực lần lượt sụp đổ. Các nước xã hội chủ nghĩa thuộc Liên Xô cũ và Đông Âu đã dứt khoát từ bỏ mô hình này, cả về mặt kinh tế và chính trị. Những nước như Cu Ba, Triều Tiên không muốn thay đổi và vẫn đang ở nấc thang phát triển thấp nhất trong thế giới đương đại cả về chỉ tiêu phát triển kinh tế lẫn con người.