TÀI CHÍNH BẢO HIỂM XÃ HỘI Ở VIỆT NAM HIỆN NAY
- Tổng quan về tài chính bảo hiểm xã hội:
Tài chính bảo hiểm xã hội là một khâu tài chính trong hệ thống tài chính quốc gia tham gia vào quá trình huy động, phân phối và sử dụng các nguồn tài chính nhằm đảm bảo ổn định cuộc sống của người lao động khi gặp rủi ro hoặc sự kiện bảo hiểm, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tài chính bảo hiểm xã hội thuộc tụ điểm vốn có tên gọi là thị trường tài chính và các tổ chức trung gian, cụ thể là thuộc các tổ chức tài chính trung gian phi ngân hàng.
- Nguồn tài chính bảo hiểm xã hội:
Tài chính bảo hiểm xã hội có hạt nhân là quỹ bảo hiểm xã hội. Quỹ này được hình thành từ hai nguồn:
Nguồn bắt buộc( nguồn đóng góp của các đối tượng thuộc diện bắt buộc tham gia BHXH theo quy định)
Nguồn tự nguyện( nguồn đóng góp của các đối tượng tự nguyện).
Về hình thức, hai nguồn này tuy khác nhau ở phạm vi, đối tượng và mức độ đóng góp, song nội dung kinh tế- xã hội lại tương đối đồng nhất với nhau, cụ thể là:
- Có mục đích là hình thành quỹ bảo hiểm xã hội để chi trả cho các chế độ BHXH. Mối quan hệ trong quá trình này góp phần tạo nên một tụ điểm vốn trung gian tài chính, độc lập với ngân sách nhà nước.
- Các nội dung về thu nộp và chi trả cho các chế độ BHXH đều do Nhà nước quy định. Quỹ bảo hiểm được quản lí độc lập theo nguyên tắc có thu mới có chi; thu trước, chi sau, phần thiếu hụt được ngân sách nhà nước hỗ trợ. Vì vậy quỹ BHXH vừa mang tính nội dung kinh tế vừa mang tính xã hội đậm nét.
Phần quỹ bảo hiểm xã hội bắt buộc được hình thành từ các nguồn sau đây:
a)Người sử dụng lao động và người lao động đóng góp:
Trách nhiệm tham gia đóng góp BHXH cho người lao động được phân chia cho cả người sử dụng lao động và người lao động trên cơ sở quan hệ lao động. Đây không phải là sự phân chia rủi ro mà thực chất là lợi ích giữa hai bên. Về phía người sử dụng lao động, sự đóng góp một phần BHXH cho người lao động sẽ tránh được thiệt hại kinh tế do phải chi ra một khoản tiền lớn khi có rủi ro xảy ra đối với người lao động mà mình thuê mướn. Đồng thời còn góp phần giảm bớt tình trạng tranh chấp và kiến tạo được mối quan hệ tốt đẹp giữa chủ và thợ. Về phía người lao động, sự đóng góp một phần để BHXH cho mình vừa biểu hiện sự tự gánh chịu rủi ro của chính mình, vừa có ý nghĩa ràng buộc nghĩa vụ và quyền lợi một cách chặt chẽ.
Mối quan hệ chủ thợ trong BHXH thực chất là mối quan hệ lợi ích. Vì thế, cũng như nhiều lĩnh vực khác trong quan hệ lao động, BHXH không thể thiếu được sự tham gia đóng góp của nhà nước. Trước hết, các quy định của nhà nước về BHXH là những chuẩn mực pháp lí mà cả người lao động và người sử dụng lao động đều phải tuân theo, là cơ sở vững chắc để giải quyết những tranh chấp chủ- thợ trong lĩnh vực BHXH. Ngoài ra, bằng nhiều hình thức, biện pháp và mức độ can thiệp khác nhau, Nhà nước không chỉ tham gia đống góp và hỗ trợ thêm cho quỹ BHXH mà còn trở thành chỗ dựa để đảm bảo cho hoạt động BHXH chắc chắn và ổn định.