Xu hướng cải cách hệ thống giám sát tài chính trên thế giới
***
Mô hình quản lý và giám sát hệ thống tài chính trên thế giới đã có những thay đổi đáng kể qua nhiều thập niên, đặc biệt là sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Những rủi ro mới phát sinh đã đặt ra yêu cầu hoàn thiện các chuẩn mực, phương thức giám sát hệ thống tài chính theo hướng tăng cường giám sát thận trọng vĩ mô, nâng cao năng lực thể chế của hệ thống giám sát nhằm đảm bảo tính ổn định và sức chịu đựng của hệ thống trước các cú sốc.
Xu hướng lựa chọn và điều chỉnh mô hình giám sát
Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 đã làm bộc lộ những yếu kém trong hệ thống giám sát tài chính thế giới, khi mô hình quản lý và giám sát tài chính không theo kịp sự phát
Xu hướng cải cách hệ thống giám sát tài chính trên thế giới
triển và đổi mới của hệ thống tài chính. Do vậy, sau khủng hoảng tài chính này, các nền kinh tế lớn đã tích cực cải cách hệ thống giám sát tài chính nhằm tăng cường hiệu quả giám sát, kịp thời phát hiện rủi ro và ngăn ngừa việc tái diễn khủng hoảng trong tương lai.
Giám sát tài chính hợp nhất là mô hình được nhiều nước hướng đến nhiều hơn trong số 4 mô hình giám sát (giám sát theo định chế, giám sát theo chức năng, giám sát hợp nhất, giám sát lưỡng đỉnh), với tỷ lệ các nước lựa chọn mô hình này tăng từ 20% vào năm 1996 lên 31% (năm 2011). Số nước lựa chọn mô hình cũng tăng từ 13 nước (năm 1996) lên 36 nước vào năm 2006, 42 nước (năm 2009) và lên 55 nước (năm 2012). Trong đó, các nước tiêu biểu cho lựa chọn mô hình này là: Đức, Thụy Điển, Đan Mạch, Canada, Na Uy, Anh (từ năm 1997 đến tháng 3/2013), Ba Lan (từ năm 1997), Hàn Quốc (từ năm 1999), Hungary (từ năm 2000).
Các nguyên nhân cơ bản lý giải cho xu hướng này là: (i) Kịp thời phản ánh sự phát triển của hệ thống tài chính cũng như hoạt động kinh doanh của các định chế tài chính; (ii) Nâng cao hiệu quả giám sát trong bối cảnh các tập đoàn tài chính được thành lập ngày càng nhiều; (iii) Mô hình giám sát phân tán không thể ứng phó kịp thời và hiệu quả trước những tác động tiêu cực từ các cú sốc bên ngoài đến khu vực tài chính trong nước.
Hai là, mặc dù mô hình giám sát hợp nhất vẫn được nhiều nước lựa chọn nhưng sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, ghi nhận ở một số quốc gia (tiêu biểu là Vương quốc Anh) cho thấy, mô hình này vẫn còn hạn chế trong vấn đề phối hợp giám sát và chia sẻ thông tin. Cơ chế hoạt động của Cơ quan giám sát dịch vụ tài chính (FSA) của Anh thể hiện sự thiếu hiệu quả khi cơ quan này đã thất bại trong việc ngăn chặn sự bùng nổ hoạt động cho vay và hậu quả vỡ nợ sau đó, cũng như thất bại trong việc ngăn chặn hoạt động kinh doanh đầy rủi ro của các ngân hàng, dẫn tới sự sụp đổ của nhiều ngân hàng lớn (như Northern Rock, Royal Bank of Scotland, Loyds…) và buộc phải nhờ đến các khoản cứu trợ từ chính phủ. Chính vì vậy, từ tháng 4/2013, nước Anh đã chuyển từ mô hình giám sát hợp nhất sang mô hình giám sát lưỡng đỉnh.