Điều kiện kinh doanh và chứng chỉ hành nghề - Bài tập môn Luật Thương mại 1
***
Trong giai đoạn hiện nay, với việc mở rộng quyền tự do kinh doanh cho các chủ thể đã thổi vào nền kinh tế nước ta một luồng sinh khí mới, các doanh nghiệp được thành lập ngày càng nhiều với các ngành, nghề kinh doanh đa dạng, phong phú. Tuy nhiên, để có thể hoạt động một cách hiệu quả và đúng quy định của pháp luật, các chủ thể phải đáp ứng được những điều kiện nhất định về điều kiện kinh doanh và chứng chỉ hành nghề. Vậy pháp luật hiện hành quy định như thế nào về điều kiện kinh doanh và chứng chỉ hành nghề?
NỘI DUNG
I. Quy định của pháp luật hiện hành về điều kiện kinh doanh và chứng chỉ hành nghề:
* “Kinh doanh là việc thực hiện liên tục một, một số hoặc tất cả các công đoạn của quá trình đầu tư, từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm hoặc cung ứng dịch vụ trên thị trường nhằm mục đích sinh lợi” ( Khoản 2 Điều 4 Luật doanh nghiệp 2005).
Khi tiến hành hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp cần tuân thủ một số điều kiện nhất định. Hiểu một cách khái quát thì “điều kiện kinh doanh là yêu cầu mà doanh nghiệp phải có hoặc phải thực hiện khi kinh doanh ngành, nghề cụ thể”.
Pháp luật hiện hành có quy định cụ thể về ĐKKD ( Điều 7 Luật doanh nghiệp 2005 và Điều 8 nghị định 102/2010/NĐ-CP ngày …hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật doanh nghiệp 2005 và các văn bản pháp luật chuyên ngành khác. Theo Điều 7 Luật doanh nghiệp 2005 thì:
Thứ nhất: doanh nghiệp trong các thành phần kinh tế có quyền kinh doanh các ngành, nghề mà pháp luật không cấm.
Thứ hai: đối với ngành, nghề mà pháp luật về đầu tư và pháp luật có liên quan quy định phải có điều kiện thì doanh nghiệp chỉ được kinh doanh ngành, nghề đó khi có đủ điều kiện theo quy định.
Hiện nay các ĐKKD, cụ thể là các giấy phép kinh doanh ở nước ta tồn tại dưới nhiều hình thức và tên gọi khác nhau, cụ thể là:
- Giấy phép kinh doanh;
- Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh;
- Chứng chỉ hành nghề;
- Chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp;
- Xác nhận vốn pháp định;
- Chấp thuận khác của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
- Các yêu cầu khác mà doanh nghiệp phải thực hiện hoặc phải có mới được quyền kinh doanh ngành nghề đó mà không cần xác nhận, chấp thuận dưới bất kì hình thức nào của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. (Điều 8 nghị định 102/2010)
Thứ ba: cấm hoạt động kinh doanh gây phương hại đến quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam và sức khỏe của nhân dân, làm hủy hoại tài nguyên, phá hoại môi trường.
Ngoài ra, Chính phủ định kì rà soát, đánh giá lại toàn bộ hoặc một phần các điều kiện kinh doanh, bãi bỏ hoặc kiến nghị bão bỏ các điều kiện không còn phù hợp, sửa đổi hoặc kiến nghị sửa đổi các điều kiện bất hợp lý; ban hành hoặc kiến nghị ban hành điều kiện kinh doanh mới theo yêu cầu quản lý nhà nước. Bộ, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các cấp không được quy định về ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh.
* Giấy phép kinh doanh là loại giấy tờ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp, cho phép chủ thể kinh doanh tiến hành một hoặc nhiều hoạt động kinh doanh nhất định. Giấy phép kinh doanh là công cụ quản lý nhà nước mà hầu hết các nước trên thế giới đều sử dụng với các mức độ khác nhau. Thông qua cơ chế xin phép – cho phép, nhà nước quản lý chặt chẽ hơn đối với một số ngành nghề mà việc kinh doanh đòi hỏi đáp ứng những điều kiện nhất định để đảm bảo an toàn cho khách hàng và xã hội.
Pháp luật hiện hành quy định: doanh nghiệp có quyền hoạt động kinh doanh kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng kí kinh doanh. Đối với những ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì doanh nghiệp được quyền kinh doanh các ngành, nghề đó kể từ ngày được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép kinh doanh hoặc có đầy đủ điều kiện kinh doanh theo quy định.