1. Hợp đồng vô hiệu
Hợp đồng vô hiệu là những Hợp đồng không tuân thủ các điều kiện có hiệu lực do pháp luật quy định nên không có giá trị pháp lý, không làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của các bên.
Theo quy định tại Điều 127 BLDS, giao dịch dân sự không có một trong các điều kiện được quy định tại Điều 122 BLDS thì vô hiệu. Theo đó, thẩm quyền xem xét và tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu thuộc về Tòa án. Còn quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu, tùy trường hợp, có thể là bên có quyền, lợi ích hợp pháp bị xâm hại, hoặc người có quyền lợi liên quan, hoặc tổ chức xã hội khởi kiện hay Viện kiểm sát nhân dân.
2. Phân loại Hợp đồng vô hiệu
- Căn cứ vào thủ tục tố tụng để tuyên bố Hợp đồng vô hiệu
Các Hợp đồng xâm phạm đến lợi ích công thì đương nhiên vô hiệu.
Các Hợp đồng xâm phạm tới lợi ích tư thì có 2 yêu cầu: (i) khi có đơn yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan; (ii) có quyết định của Tòa án. Dựa vào căn cứ phân loại này, người ta chia HỢp đồng vô hiệu thành 2 loại: Hợp đồng vô hiệu tuyệt đối và Hợp đồng vô hiệu tương đối.
- Hợp đồng vô hiệu tuyệt đối
Hộp đồng thuộc một trong các trường hợp sau thì bị coi là vô hiệu tuyệt đối:
- Hợp đồng vô hiệu do giả tạo
- Hợp đồng có nội dung, mục đích vi phạm điều cấm của pháp luật
- Hợp đồng có nội dung, mục đích trái đạo đức xã hội
- Hợp đồng không đúng hình thức do pháp luật quy định và đã được Tòa án cho các bên thời hạn để thực hiện đúng quy định về hình thức này nhưng hết thời hạn đó mà các bên vẫn chưa thực hiện; hoặc trường hợp pháp luật có quy định về Hợp đồng vi phạm hình thức nhưng các bên chưa thực hiện Hợp đồng và các bên có tranh chấp thì Hợp đồng bị xem là vô hiệu.
Lưu ý: Thời hiệu kiện yêu cầu Tòa án tuyên bố Hợp đồng vô hiệu tuyệt đối là không hạn chế: có thể khởi kiện bất cứ lúc nào, kể từ khi Hợp đồng được xác lập.