Những khó khăn, vướng mắc cần khắc phục trong trong thực tiễn áp dụng pháp luật thuế GTGT ở Việt Nam - Bài tập nhóm - Luật Tài chính
***
1. Về chính sách:
1.1. Đối tượng chịu thuế:
Như chúng ta đã biết, thuế GTGT là một loại thuế gián thu điển hình mang tính trung lập cao. Tại mỗi khâu của quá trình sản xuất, khoản thuế phải nộp được chuyển sang khâu tiếp theo cho đến người tiêu dùng cuối cùng. Như vậy nó không ảnh hưởng gì đến quyết định sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Trên lý thuyết thì như vậy, vì nếu như các khâu này bị đứt đoạn tức là có trường hợp nào đó được liệt vào đối tượng không chịu thuế GTGT thì ưu điểm tránh đánh thuế trùng lắp không còn ý nghĩa nữa. Lúc này doanh nghiệp không phải kê khai nộp thuế đầu ra nhưng cũng không kê khai khấu trừ thuế đầu vào. Điều đó khiến cho việc dự đoán những tác động của thuế đối với hoạt động của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, vì thế các đối tượng không chịu thuế GTGT chỉ nên giới hạn trong một số ít các trường hợp.
Điều 5 luật thuế GTGT quy định có 25 nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc diện không chịu thuế. Số lượng như vậy là quá nhiều, trong khi mục tiêu của chính sách thuế GTGT là mở rộng diện chịu thuế và thu hẹp các đầu mối. Một số mặt hàng đưa vào diện này còn chưa hợp lý, chưa thực sự khuyến khích xuất khẩu gây gián đoạn trong công tác thu nộp thuế và khó khăn cho doanh nghiệp. Lấy một ví dụ đó là thiết bị máy móc, phương tiện vận tải chuyên dùng thuộc loại trong nước chưa sản xuất được, nhập khẩu để tạo tài sản cố định cho doanh nghiệp,… từ trước đến nay thuộc diện không chịu thuế GTGT, thiết nghĩ, khi mới áp dụng luật thuế này, trong điều kiện nền kinh tế nước ta còn gặp nhiều khó khăn, các doanh nghiệp hầu hết đều ít vốn nên quy định này sẽ giúp doanh nghiệp không phải bỏ ra một lượng vốn ứng trước. Tuy nhiên, hiện nay khi nền kinh tế ngày càng phát triển, các hình thức huy động vốn cho doanh nghiệp cũng nhiều hơn, thuận tiện hơn, thì việc không đánh thuế đối với mặt hàng này không những làm cho luật thuế không được thông thóang mà còn gây gián đoạn đối với các khâu sau, phức tạp hóa trong tính toán thuế của doanh nghiệp.
Chính sách hiện hành cũng quy định hàng hóa thủy sản chưa qua chế biến không chịu thuế GTGT, do đó nếu các doanh nghiệp thu mua trực tiếp của người sản xuất không có hóa đơn thì được lập hóa đơn mua hàng Nông - lâm - thủy sản nhưng không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào. Khi xuất bán cho các nhà máy chế biến thủy sản, doanh nghiệp phải kê khai nộp thuế GTGT 5% vào ngân sách nhà nước. Từ đặc điểm này, một số doanh nghiệp đã mua bán hóa đơn GTGT khống để làm chứng từ đầu vào khấu trừ thuế GTGT, chiếm đoạt 5% tiền thuế.
Ngoài ra, khi bàn về đối tượng chịu thuế, không chịu thuế của luật thuế GTGT thì Điều 5 và Điều 8 của luật đã quy định rõ ràng những đối tượng nào không phải chịu thuế, đối tượng chịu thuế suất 0%, 5%, 10%. Trong bối cảnh nền kinh tế mở cửa và hội nhập như hiện nay thì không những chỉ có những đối tượng như vậy mà còn xuất hiện nhiều đối tượng mới, vậy những trường hợp này thì sẽ xử lý như thế nào? Điều này tạo ra sự thiếu công bằng trong việc áp thuế và không bao quát hết các hàng hóa, dịch vụ.
1.2. Về thuế suất: