Bài tập lớn Đường lối cách mạng của Đảng cộng sản
So sánh sự giống và khác nhau giữa cao trào cách mạng 1930 – 1931 và phong trào dân chủ 1936 – 1939
***
Cách mạng tháng Tám năm 1945 thắng lợi là một bước ngoặt lớn trong lịch sử dân tộc ta, đánh dấu bước phát triển nhảy vọt của cách mạng Việt Nam, mở đầu kỉ nguyên mới độc lập tự do, kỉ nguyên nhân dân lao động lên nắm chính quyền, làm chủ đất nước và vận mệnh dân tộc, kỉ nguyên giải phóng dân tộc gắn liền với giải phóng xã hội. Một trong những nguyên nhân chủ quan quan trọng đem lại thắng lợi của Cách mạng tháng tám là Đảng ta đã có quá trình chuẩn bị trong suốt 15 năm, đúc rút được những bài học kinh nghiệm qua những thành công cũng như thất bại của các phong trào cách mạng như cao trào 1930 – 1931 và phong trào dân chủ 1936 – 1939. Nhằm góp phần đem lại những cái nhìn mới về hai phong trào này qua lăng kính so sánh, em xin lựa chọn đề tài: “Sự giống và khác nhau giữa cao trào cách mạng 1930 – 1931 và phong trào dân chủ 1936 – 1939”
- Những điểm chung của cao trào cách mạng 1930 – 1931 và phong trào dân chủ 1936 – 1939.
- Đây đều là những cuộc diễn tập chuẩn bị cho Cách mạng tháng Tám năm 1945
Đó là những cuộc tập dượt để kiểm nghiệm về khả năng lãnh đạo cách mạng của giai cấp công nhân Việt Nam với đội tiên phong của nó là Đảng Cộng sản ; về sức mạnh to lớn của quần chúng nhân dân, đặc biệt khối liên minh công nông khi được tập hợp, tổ chức dưới ngọn cờ của Đảng.
Qua các phong trào, đội ngũ cán bộ đảng viên của Đảng ta được tôi luyện, trưởng thành trong đấu tranh, rút ra nhiều bài học kinh nghiệm quý báu về xác định kẻ thù, tập hợp lực lượng cách mạng, hình thức phương pháp đấu tranh, quy luật giành giữ chính quyền.
Qua thực tiễn đấu tranh, nhân dân ta càng thấy được bộ mặt thâm độc, tàn bạo của kẻ thù đế quốc, phong kiến, đồng thời cũng xây dựng và củng cố được niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng và tương lai, tiền đồ của cách mạng, để tiếp tục quyết tâm vững bước tiến lên vì độc lập dân tộc, vì chủ nghĩa xã hội.
- Cả hai phong trào đều đều có sự trực tiếp chỉ đạo của Đảng và thu hút đông đảo quần chúng trong cả nước tham gia với nhiều hình thức đấu tranh phong phú
Phong trào cách mạng 1930-1931 và phong trào dân chủ 1936-1939 là những cuộc đấu tranh đầu tiên dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng.
Trong cao trào cách mạng 1930 – 1931 : từ tháng 2 đến 4/1930 được coi là khởi động cho cao trào cách mạng, mở đầu là cuộc bãi công của 3000 công nhân đồn điền cao su Phú Riềng đòi tăng lương giảm giờ làm, chống tư bản 2/1930, tiếp đó là bãi công của 4000 công nhân nhà máy diêm – cưa Bến Thủy, 4000 công nhân nhà máy dệt và sợi Nam Định.
Từ tháng 6 đến tháng 8/1930, cả nước có 121 cuộc đấu tranh. Trên khắp cả 3 kì từ nông thôn đến thành thị đều diễn ra các cuộc đấu tranh của quần chúng dưới nhiều hình thức : bãi công, mít tinh, biểu tình, tuần hành của quần chúng với truyền đơn biểu ngữ và có cờ Đảng dẫn đường. Tháng 9 và 10/1930, cả nước có 362 cuộc đấu tranh (Bắc Kì : 29, Nam Kì : 17, Trung Kì : 316). Từ tháng 9, phong trào đã dấy lên đỉnh cao ở Nghệ Tĩnh, thu hút hàng chục vạn người tham gia đấu tranh, tiến tới đấu tranh vũ trang và khởi nghĩa vũ trang cướp chính quyền, thành lập chính quyền Xô Viết Nghệ Tĩnh.
Tại Hội nghị lần thứ nhất Ban chấp hành Trung ương 10/1930, bên cạnh việc thông qua Luận cương chính trị của đồng chí Trần Phú, bầu Ban chấp hành Trung ương Đảng chính thức, Hội nghị tập trung phân tích về tình hình cách mạng đang diễn ra. Sau Hội nghị, Ban chấp hành Trung ương Đảng đã tập trung lãnh đạo phong trào cách mạng cả nước, có những đường lối chỉ đạo cụ thể cho tình hình ở Nghệ Tĩnh trong việc xây dựng và gìn giữ chính quyền, chống lại sự khủng bố, đà áp của kẻ thù.
Trong phong trào dân chủ 1936 – 1939, mở đầu giai đoạn này là phong trào “Đông Dương đại hội”. Hàng trăm ủy ban hành động đã được thành lập khắp các tỉnh thành từ Bắc vào Nam để phân phát truyền đơn, ra báo chí, tổ chức mít tinh, hội họp quần chúng, thảo luận các vấn đề về dân sinh, dân chủ, tập hợp ý kiến, nguyện vọng của quần chúng nhân dân, thảo ra bản “dân nguyện” gửi tới phái đoàn của Quốc hội Pháp sang điều tra tình hình Đông Dương.
Trong giai đoạn 1936 – 1939, mỗi năm có hàng trăm cuộc đấu tranh của công nhân, nông dân ở nhiều nơi trên khắp cả nước. Đặc biệt là cuộc đấu tranh ngày 1/5/1938, lần đầu tiên trong ngày Quốc tế lao động, nhiều cuộc mít tinh đã được tổ chức công khai ở Hà Nội, Hải Phòng, Sài Gòn và nhiều nơi khác với hàng vạn quần chúng tham gia, nhân dân ta đã thể hiện sự hưởng ứng với phong trào đấu tranh của công nhân thế giới trong ngày Quốc tế lao động.
Công tác quần chúng được Đảng chú trọng. Đảng đã thành lập Công hội, Đoàn thanh niên phản đế, Hội cứu tế bình dân… ở nông thôn, lập Hội cấy, Hội cày, Hội hiếu hỉ… Những hình thức tổ chức linh hoạt, hoạt động công khai, nửa công khai, đã tập hợp rộng rãi các tầng lớp nhân dân tham gia.
Căn cứ vào tình hình thế giới nói chung, tình hình nước Pháp nói riêng và thực tiễn cách mạng trong nước, Đảng đã hoàn thiện đường lối đấu tranh và lãnh đạo cách mạng theo xu hướng dân chủ trong giai đoạn 1936 – 1939. Đảng phát động phong trào “Đông Dương đại hội”. Đảng tổ chức lãnh đạo hàng trăm cuộc bãi công trong giai đoạn này. Đảng tham gia đấu tranh công khai trên nghị trường, đưa các ứng viên của Đảng và vận động những người tiến bộ trong hàng ngũ trí thức ra ứng cử vào các cơ quan dân cử. Mục đích của Đảng nhằm mở rộng lực lượng của Mặt trận Dân chủ và vạch trần chính sách phản động của bọn thực dân và tay sai, bênh vực quyền lợi của nhân dân lao động. Đảng còn triệt để sử dụng báo chí công khai, lập ra nhiều tờ báo làm vũ khí đấu tranh cách mạng, giác ngộ nhân dân về con đường cách mạng của Đảng.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, có thể nói chưa bao giờ ở Việt Nam lại có một phong trào rộng lớn với sức mạnh to lớn của quần chúng như trong giai đoạn 1936 - 1939. Điều này đã khắc phục được nhược điểm của phong trào công nông 1930 - 1931 trước đây.
- Phong trào cách mạng 1930 - 1931 và phong trào dân chủ 1936 -1939 đều mang tính dân tộc