Tổ chức và hoạt động của ngân hàng trung ương các nước và những gợi ý về triển vọng hiến định ở Việt Nam
***
Ngân hàng Trung ương (NHTW) ở bất kỳ quốc gia nào đều có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo ổn định giá trị đồng tiền, kiềm chế lạm phát và sự an toàn của hệ thống ngân hàng. Kinh nghiệm từ khủng hoảng tài chính của nhiều nước trên thế giới trong giai đoạn vừa qua (đặc biệt là Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản) đã cho thấy vai trò “người dẫn đường” đối với hệ thống ngân hàng và nền kinh tế của một quốc gia của NHTW. Nhờ có NHTW với thẩm quyền của mình trong việc xây dựng, thực thi chính sách tiền tệ quốc gia (CSTTQG) và với tư cách là “ngân hàng mẹ của hệ thống ngân hàng” mà nhiều ngân hàng đã được giải cứu, thoát khỏi tình trạng phá sản và duy trì được tính thanh khoản cho toàn hệ thống tài chính[1]. Do đó, việc nghiên cứu, tìm hiểu về NHTW ở một số nước để có những kinh nghiệm, gợi ý cho Việt Nam khi hoàn thiện pháp luật về NHTW là rất hữu ích, nhằm nâng cao vị thế của NHTW ở Việt Nam theo mô hình NHTW hiện đại.
- Tổ chức và hoạt động của Ngân hàng Trung ương ở một số nước trên thế giới
1.1. Mô hình tổ chức của NHTW
Khi nói tới mô hình tổ chức của NHTW ở mỗi quốc gia, cần phải xác định vị trí pháp lý của tổ chức này trong bộ máy công quyền. Tùy theo điều kiện kinh tế – xã hội mỗi nước mà NHTW sẽ tổ chức theo những mô hình khác nhau, có vị trí khác nhau trong bộ máy nhà nước, có mối quan hệ khác nhau với Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác.
Trên thực tế đã tồn tại 3 mô hình NHTW: NHTW trực thuộc Quốc hội và độc lập với Chính phủ, NHTW trực thuộc Chính phủ, NHTW trực thuộc Bộ Tài chính.
1.1.1. Ngân hàng trung ương trực thuộc Quốc hội và độc lập với Chính phủ
Theo mô hình này, NHTW không nằm trong cơ cấu bộ máy của Chính phủ, không chịu sự lãnh đạo, điều hành của Chính phủ. Chính phủ không có quyền can thiệp vào hoạt động của NHTW mặc dù ban lãnh đạo của ngân hàng do Tổng thống hay Thủ tướng bổ nhiệm. Chính quyền không được phế truất thống đốc. Điển hình cho mô hình này là NHTW ở các nước như Hoa Kỳ, Đức, Nga[2].
Việc quy định NHTW độc lập với Chính phủ bởi NHTW là cơ quan quản lý, điều tiết tiền tệ và phát hành tiền, hoạt động của nó tác động trực tiếp tới sự phát triển của nền kinh tế, nếu xác định vị trí pháp lý của nó thuộc Chính phủ thì không có gì bảo đảm rằng mọi quyết sách của Chính phủ về tiền tệ sẽ phù hợp với chủ trương, giải pháp của NHTW và phù hợp với nhu cầu thực tiễn của thị trường tiền tệ. Hơn nữa, nếu NHTW thuộc Chính phủ khi có thâm hụt tài chính ngân sách, việc phát hành tiền quá giới hạn và không phụ thuộc vào quy luật lưu thông tiền tệ dễ xảy ra, gây ra tình trạng lạm phát, ảnh hưởng tới sự phát triển của nền kinh tế và đời sống của nhân dân. Đặc biệt, trong nền kinh tế thị trường hiện nay, việc trao cho NHTW vị trí pháp lý độc lập là vô cùng cần thiết, là yếu tố then chốt để đảm bảo tính hiệu quả trong điều hành CSTTQG ở mỗi nước.
Ở Hoa Kỳ, năm 1908 Đạo luật Aldrich – Vreeland được Quốc hội Hoa Kỳ thông qua đã xác định rõ sự cần thiết phải quy định hệ thống ngân hàng độc lập với Chính phủ. Sau đó, năm 1913, Đạo luật về Cục dự trữ Liên bang Hoa Kỳ khẳng định NHTW Hoa Kỳ (Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ – FED) có vị trí độc lập với Chính phủ, trực thuộc Quốc hội, độc lập trong việc quyết định cung ứng tiền tệ và thực hiện CSTTQG