Vai trò của pháp luật thuế ở nước ta hiện nay – Các giải pháp chủ yếu để phát huy vai trò đó trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế
***
LỜI NÓI ĐẦU
Ở nước ta, cùng với quá trình phát triển của đời sống kinh tế - xã hội, hệ thống pháp luật thuế được hình thành và ngày càng phát triển. Pháp luật thuế có hệ thống quy phạm phức tạp, chi tiết, thường xuyên được sửa đổi, thay thế, bổ sung để đáp ứng yêu cầu của Nhà nước và phù hợp với đời sống kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, pháp luật thuế giữ một vai trò quan trọng đối với sự phát triển của đất nước, nếu không có hệ thống pháp luật thuế thì không thể thì một quốc gia không thể phát triển toàn diện.
Với ý nghĩa đó, sau đây em xin được đi tìm hiểu vấn đề: “Vai trò của pháp luật thuế ở nước ta hiện nay – các giải pháp chủ yếu để phát huy vai trò đó trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế” với mong muốn được hiểu biết rõ hơn về các vai trò của hệ thống pháp luật thuế trong điều kiện của nước ta hiện nay.
NỘI DUNG
I. Lý luận chung về thuế, pháp luật thuế
1. Khái quát chung về thuế trong nền kinh tế thị trường của nước ta hiện nay
a) Sự ra đời và tính tất yếu khách quan của thuế
Thuế ra đời gắn liền với sự hình thành của Nhà nước, bởi Nhà nước ra đời, mục đích ban đầu là phục vụ lợi ích của giai cấp thống trị, kéo theo là cơ quan chức năng, cơ quan quyền lực và công cụ thực hiện quyền lực. Các cơ quan này không tạo ra nguồn vật chất cung cấp cho chính sự tồn tại và phát triển của bản thân mà trông chờ vào sự đóng góp của toàn thể công dân. Bằng sức mạnh quyền lực chính trị của mình, Nhà nước bắt buộc mọi công dân phải chuyển một phần thu nhập của mình vào tay Nhà nước. Những khoản tiền mà công dân đóng góp từ thu nhập của mình chuyển cho Nhà nước nhằm tạo ra nguồn vật chất cung ứng cho mọi hoạt động của Nhà nước gọi là thuế.
Vậy sự ra đời của thuế chính là sự ra đời, tồn tại và phát triển của nhà nước.Có thể nói, thuế là phạm trù lịch sử, là một tất yếu khách quan xuất hiện từ nhu cầu đáp ứng chức năng của Nhà nước. Thuế được Nhà nước sử dụng như một công cụ kinh tế quan trọng nhằm huy động nguồn thu cho Ngân sách Nhà nước, góp phần điều chỉnh kinh tế và điều hòa thu nhập.
b) Định nghĩa về thuế
Có nhiều cách hiểu khác nhau về thuế nhưng có thể hiểu một cách chung nhất đó là: Thuế là khoản thu nộp mang tính bắt buộc mà các tổ chức hoặc cá nhân phải nộp cho Nhà nước khi có đủ những điều kiện nhất định.
Như vậy, có thể thấy, bản chất của thuế là loại quan hệ phân phối gắn với Nhà nước, loại quan hệ giữa Nhà nước với người nộp thuế.Bản chất này không thay đổi trong những xã hội có chế độ kinh tế chính trị khác nhau. Bất kể xã hội nào cũng thể hiện quan hệ thu và nộp như nhau.
c) Đặc điểm của thuế