KINH NGHIỆM DỰ TUYỂN - PHỎNG VẤN PGBANK
Mình có nhận được khá nhiều tin nhắn của các bạn hỏi về PGBank, trả lời riêng từng người quả thật là không xuể. Xin đưa lên đây những gì chung nhất và có thể là hữu ích cho các bạn đã nộp hồ sơ, đang đợi phỏng vấn, sắp thương lượng lương bổng và cả những người đang băn khoăn không hiểu vì sao mình không được chọn.
1- Chuẩn bị hồ sơ: Như các bạn đã biết PGBank đề nghị các ứng viên điền vào mẫu đơn xin việc theo chuẩn của PGBank và email/gửi bưu điện/nộp trực tiếp đến PGBank. Là người có dịp đọc khá nhiều hồ sơ ứng viên, xin có vài lời khuyên hữu ích để hồ sơ bạn qua được vòng loại đầu tiên (mà chả cứ ở PGBank, các nơi khác cũng gần như vậy thôi):
- Với những vị trí ở bậc 1, 2, 3(Giao dịch viên, nhân viên quan hệ khách hàng, kiểm soát viên, trưởng quỹ) có tới cả trăm hồ sơ được gửi đến cho một vị trí. Bộ phận tuyển dụng dù rất muốn cũng không thể phỏng vấn hết tất cả mà bắt buộc phải loại bớt để có shortlist phỏng vấn. Làm thế nào để hồ sơ của bạn lọt qua vòng loại hồ sơ này?
+ Một bộ hồ sơ viết tay chỉn chu, chữ dễ đọc và trình bày mạch lạc bao giờ cũng ấn tượng hơn là typing và in laze (màu chăng nữa) vô hồn. Nếu chữ bạn xấu quá (vấn nạn của việc phổ cập bút bi từ tiểu học), không sao – chuyện thường ngày ở VP5, nhưng hãy in hồ sơ bằng giấy trắng loại tốt, cắt ảnh vuông vắn và dán ngay ngắn vào khung trên hồ sơ. Bạn nghĩ sao khi cầm một hồ sơ giấy in nhọ nhem, ảnh dán thậm chí còn chẳng đủ hồ. Khi bạn không tôn trọng chính hình ảnh của mình thì tại sao lại yêu cầu người khác phải để tâm đến bạn!
+ Phần quá trình làm việc: xin hãy trung thực với những thông tin về những nơi làm việc trước đây vì trong môi trường Bank việc tham chiếu thông tin của người này, người kia là chuyện dễ như thò tay vào ví lấy ra mấy tấm thẻ ATM. Lời khuyên nhỏ là đừng bao giờ chê nơi làm việc cũ và những người nhảy việc với nhịp điệu Cha cha cha chưa đến một năm một Job thì thường ít được ưng hơn ai lả lướt Rumba. Mục thông tin của “Công việc hiện tại gần đây nhất” được chú ý hơn cả, nên dành thời gian wording cho mục này thay vì băn khoăn “lương nhiêu nhỉ”.
+ Trong hồ sơ có 2 mục ứng viên thường chủ quan nhưng người tuyển dụng qua đó có thể đánh giá sơ bộ về mức độ nghiêm túc và khả năng trình bày vấn đề của có-thể-sắp-là-đồng-nghiệp: lý do muốn làm việc cho P, nguyện vọng nghề nghiệp/mục tiêu phấn đấu bằng tiếng Anh. Không gì chán bằng đọc những câu khuôn mẫu kiểu đây là ngân hàng mới, có nhiều cơ hội phát triển, cổ đông là các công ty lớn… hay nhưng đoạn tiếng Anh ngọng níu-nô. Hãy tự tách mình ra khỏi đám đông bạn nhé, đi tìm việc không phải là lúc hát-đồng-ca.